Nâng cao năng lực nhà cung ứng nội: “Bài toán” khó

Hội Xây Dựng
12/12/21
0

Thời gian qua, kết nối giữa doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước với các tập đoàn đa quốc gia không mới nhưng luôn là vấn đề “nóng”. Làm sao để các DN nội trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho tập đoàn đa quốc gia vẫn là bài toán khó.

Khó tìm nhà cung ứng

Báo cáo từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, thời gian qua, ngành CNHT Việt Nam có những tiến bộ nhất định, đóng vai trò quan trong trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để đón đầu và nắm bắt cơ hội đó, ngành này vẫn còn nhiều hạn chế, như: Năng lực cạnh tranh của các DN Việt còn yếu, chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu. Cụ thể, Việt Nam hiện có gần 2.000 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện, nhưng chỉ có khoảng 300 DN tham gia mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia; tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp ôtô, điện tử còn ở mức thấp.

Nâng cao năng lực nhà cung ứng nội: “Bài toán” khó
Ngành công nghiệp hỗ trợ có những tiến bộ nhất định

Chia sẻ về vấn đề này, ông Mai Anh Hiền – Phó trưởng Ban mua hàng phụ tùng (Công ty Ôtô Toyota Việt Nam) – cho hay, tiềm năng thị trường ôtô nước ta tương đối lớn nhưng vẫn chưa thực sự phát triển. Trong khi đó, việc tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do đang trở thành thách thức với quyết định sản xuất và nội địa hóa của DN, khi thuế suất nhập khẩu linh kiện, ôtô nguyên chiếc về 0%. Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ để tăng số lượng hơn 40 đơn vị cung ứng nội địa với 700 chi tiết linh kiện, song đó là quá trình gian nan.

Tương tự, ông Nguyễn Huy Trung – Giám đốc đối ngoại của Honda Việt Nam – cho biết, công ty đang duy trì trên 100 nhà cung ứng cấp 1 cho các sản phẩm linh phụ kiện, phụ tùng xe máy. Qua khảo sát, có trên 70% nhà cung ứng hiện nay có thể chuyển đổi trở thành nhà cung ứng phụ tùng cho ôtô. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cần phải có lộ trình, chính sách hỗ trợ.

Gỡ “nút thắt”

Theo đại diện Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI), dung lượng thị trường cho ngành CNHT rất lớn nhưng thiếu trầm trọng các nhà cung ứng trong nước. Chẳng hạn, cả nước có 20 DN lắp ráp, sản xuất ôtô nhưng mới chỉ có 84 DN cung ứng cấp 1 và 145 DN cung ứng cấp 2, 3. Trong khi đó, Thái Lan chỉ có 16 DN lắp ráp nhưng có đến 690 DN cung ứng cấp 1 và 1.700 DN cung ứng cấp 2, 3. Trong lĩnh vực điện – điện tử, cả nước mới chỉ có 1.000 DN cung ứng và cũng chỉ dừng lại ở giai đoạn đầu trong chuỗi cung ứng sản xuất sản phẩm điện tử.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, mới đây, Cục Công nghiệp đã cùng Công ty Ôtô Toyota Việt Nam nỗ lực triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển năng lực cho DN CNHT. Cụ thể: Sàng lọc các DN sản xuất và lập danh sách nhà cung cấp tiềm năng về phụ tùng, linh kiện ôtô để kết nối với nhà sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam; tìm kiếm, hỗ trợ nhà cung cấp tiềm năng cấp 2, 3 và giới thiệu đến nhà cung cấp cấp 1 từ những dữ liệu của hoạt động sàng lọc; hỗ trợ tham gia đào tạo theo một số chương trình phát triển nhà cung cấp Việt Nam.

Ông Hiroshi Okamura – Phó giám đốc Khối kế hoạch bán hàng và Dịch vụ (Công ty Ôtô Toyota Việt Nam) – nhấn mạnh, đối với Toyota Việt Nam, đẩy mạnh nội địa hóa không chỉ đơn thuần gia tăng số lượng nhà cung cấp Việt mà quan trọng hơn là nâng cao năng lực, chất lượng của nhà cung cấp. Qua đó, giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Để tăng cường kết nối giữa DN CNHT với chuỗi cung ứng toàn cầu, cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng DN ở mọi ngành nghề, lĩnh vực. Trong đó, DN đầu chuỗi sẽ giữ vai trò dẫn dắt, định hướng và tư vấn cho DN tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường, ngành nghề, lĩnh vực đang có tiềm năng phát triển.

Nguồn: https://congthuong.vn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *